Những xu hướng thiết kế dự báo làm mưa làm gió năm 2020 (phần 2)

Những xu hướng thiết kế dự báo làm mưa làm gió năm 2020 (phần 2)
Tiếp nối bài viết về những xu hướng thiết kế dự báo sẽ làm mưa làm gió trong thời gian sắp tới trong phần I, ở phần này chúng ta sẽ bổ sung thêm các xu hướng với phần bình luận chi tiết hơn từ các chuyên gia nhé. Cùng tìm hiểu các nội dung chính:
#1 Dark mode
#2 Incomplete & Personalized
#3 Immersive 3D images
#4 Soft shadows. Layers & floating elements
#5 Photography + Graphics
#6 Solid white space
#7 Glowing luminous color schemes
#8 Ultra minimalist navigation
Source: 99designs.com
I – Chế độ tối (Dark mode)
Chế độ tối (dark mode) sử dụng những tông màu tối, tạo cảm giác hiện đại cho thiết kế, dễ chịu cho mắt và làm nổi bật những tông màu cũng như yếu tố thiết kế khác.


Chế độ tối còn được xuất phát từ những tiền đề thực tiễn mà có lẽ các bạn không để ý lắm: nó thích hợp hiển thị trên các màn hình OLED hơn, tiết kiệm năng lượng và tăng tuổi thọ cho màn hình, thế nhưng về phần nhìn thì vẫn rất ngầu nhé.
Một điều rất trùng hợp nữa là chế độ tối này còn có khả năng kết hợp rất tốt khi đem các màu sắc tối kết hợp với màu sắc neon sáng hoặc kết hợp với phong cách viễn tưởng hắc ám và công nghệ tương lai.

II – Sự thiếu hoàn chỉnh tạo ra cá tính
Chính sự thiếu hoàn chỉnh, các hình vẽ tay thổi hồn cho website, mang lại cảm xúc và tính nhân văn – điều mà có lẽ khán giả đang khao khát vô cùng khi đã chán ngấy những sự đồ sộ và hoàn hảo đến từng milimet của thiết kế trong thời gian qua.

Năm nay, các nhà thiết kế có thể đưa vào các hình vẽ tay cách điệu, độc lạ sử dụng làm icon và elements để thể hiện sự riêng biệt và làm cho thương hiệu của mình trở nên nổi bật hơn đối thủ.


Vậy nên khi thiết kế, các bạn cũng có thể sử dụng các yếu tố không hoàn thiện, thậm chí là có phần rối rắm có chủ đích để thể hiện thương hiệu của mình giống như một con người thực với cá tính sinh động vậy. Hãy cùng nhau làm nên một “cuộc nổi dậy” đi ngược lại xu hướng thiết kế phẳng chú trọng hoàn hảo tới từng pixel đã trở thành lối mòn nhé.
III – Hình ảnh 3D có chiều sâu
Từ trước tới nay hình 3D luôn đem đến sự thích thú cho người xem. Giờ đây, nhờ sự phổ biến và chi phí thấp của công nghệ thực tế ảo mà ta có thể dễ dàng tạo ra các hình ảnh 3D siêu thực trải rộng toàn màn hình, mang lại trải nghiệm về chiều sâu cho người xem.

Điều này không chỉ đem lại lợi ích về phần hình ảnh mà còn cải thiện cả trải nghiệm người dùng bởi các hình ảnh 3D có thể tương tác giúp giữ chân khách tham quan ở lại website của bạn lâu hơn.


Hy vọng trong năm 2020 này, chúng ta có thể thấy các thiết kế sử dụng hình ảnh 3D tuyệt hảo, phá vỡ ranh giới giữa không gian công nghệ ảo và thực tế trong thiết kế.
IV – Sử dụng hiệu ứng đổ bóng, chồng lớp nhẹ và thả nổi elements
Mục đích chính của việc làm như vậy chính là nhằm tạo ra chiều sâu cho thiết kế. Bạn rất thích những 3D element mà chúng mình nhắc tới trước đó nhưng “nhẹ đô” hơn? Vậy hãy thử dùng phương pháp này nhé. Không chỉ với đồ họa, bạn cũng có thể áp dụng nó với định dạng văn bản và hình ảnh.


Để mở rộng thêm các quy tắc về chất liệu thiết kế, ta cũng có thể thêm hiệu ứng đổ bóng và chồng lớp nhẹ cho các 2D element để tạo chiều sâu, mà vẫn giữ vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng khiến cho các element giống như đang “trôi dạt qua lại” lẫn nhau trên màn hình – đối lập hoàn toàn với lối thiết kế cứng nhắc, nặng nề khi cố nhét tất cả vào một thiết kế phẳng.

V – Kết hợp nhiếp ảnh với đồ họa
Việc xếp chồng các hình vẽ đồ họa lên trên các hình nhiếp ảnh thực sẽ tạo ấn tượng khiến người ta khó quên, đồng thời cũng khơi gợi cho trí trưởng tượng của chúng ta được tự do thể hiện theo ý mình.

Việc sử dụng hình ảnh dạng xếp chồng khung hình như này cũng giúp ta thêm một chút “dễ thương” cho hình ảnh thương hiệu, hoặc sử dụng những đặc tính nghiêm túc hơn để thể hiện các khái niệm trừu tượng hay phức tạp về lĩnh vực công nghệ hoặc tài chính. Đây cũng sẽ là một trong những xu hướng mà ta sẽ gặp nhiều trong năm nay đấy bởi khả năng “biến tấu” và thêm cá tính riêng cho hình ảnh của trend này là rất lớn.


Để tận dụng sự linh hoạt của phương thức này, ta cũng nên đảm bảo style minh họa và đồ họa mà mình chọn là phù hợp với tính chất của thương hiệu. Style của những hình ảnh đó có thể tác động đến cảm nhận của người xem theo cách mà mình muốn: hình minh họa theo phong cách hoạt hình mang đến chút tinh nghịch, còn những hình dạng biểu tượng hình học và nhiều chi tiết thì mang đến sự phức tạp hơn.
VII – Các không gian trắng dạng khung (framed white space)
Đã từng một thời những hình ảnh trải rộng toàn màn hình “làm mưa làm gió” thị trường thiết kế. Giờ đây người ta lại chuyển qua sử dụng những hình ảnh kết hợp giữa những khoảng nền trắng (hoặc bất kỳ màu nào khác tương tự). Cách này kiến tạo nên kết cấu cố định cho thiết kế, mang lại cảm giác trầm ổn và tạo ra không gian thoáng đãng cho website.



Việc sử dụng khung hình rộng trong thiết kế website khiến ta cảm giác thỏa mãn về trật tự và dễ dàng nhận ra những nhân tố được ưu tiên, và phân biệt các phần khác nhau trong một trang.
VIII – Sử dụng màu sắc tươi sáng, độ bão hòa lớn
Trong năm 2020, chúng ta chắc chắn sẽ chứng kiến nhiều cách phối màu cực kỳ táo bạo và có chiến lược để khiến hình ảnh trở nên thật sự nổi bật trên thiết kế.

Ngày càng có nhiều thiết kế sử dụng những tông màu neon phát sáng trên nền tối và những màu có độ bão hòa lớn kết hợp với màu nền tối, trầm để tạo cảm giác màu sắc phát sáng.


Đặc biệt các thiết kế dùng 2 tông màu đối lập nhau càng khiến cho xu hướng này trở nên nổi bật hơn. Sự kết hợp này giúp cho các yếu tố và hình ảnh được nổi bật trên thiết kế, dù hiệu quả có sinh động hay không còn phụ thuộc khá nhiều vào sự lựa chọn màu sắc neon và màu tối tương phản với nó có phù hợp hay không.
IX – Điều hướng theo phong cách tối giản
Với sự ra đời của các phụ kiện đeo như đồng hồ thông minh thì thiết kế cần đáp ứng nhu cầu hiển thị nhỏ hơn. Yếu tố chịu tác động nhiều nhất từ sự thay đổi này là yếu tố điều hướng – thứ được ví như chất keo gắn kết các yếu tố trên website lại với nhau. Trong những năm gần đây, yếu tố điều hướng càng ngày càng tối giản hóa để đáp ứng hiển thị trên các màn hình nhỏ và sự tập trung trong thời gian ngắn của người dùng.


Điều hướng được tối giản giúp giảm thiểu thời gian người dùng phải tìm hiểu về cách thức để khám phá xung quanh và dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu về nội dung website của bạn.

Cùng lúc đó, việc sử dụng hình ảnh cũng cần được chú ý, nên sử dụng những hình ảnh hay video cỡ lớn, còn chữ hay văn bản thì nhỏ và càng ít càng tốt.
Lời kết
Đây là bài dịch mang tính tiếp nối bài viết về các xu hướng thiết kế website năm 2020 trước đó. Nếu các bạn chưa đọc thì hãy dành chỉ 3 phút thôi để đọc qua nhé, còn rất nhiều xu hướng hay đang được ưa chuộng mà chúng mình đã lọc ra để giới thiệu ở phần 1 đấy.
Trong tất cả các xu hướng mà chúng mình đã cập nhật ở cả phần 1 và phần 2, các bạn thấy hứng thú với xu hướng nào nhất nhỉ? Tại sao vậy? Hay bạn có muốn chia sẻ thêm kinh nghiệm, bổ sung thêm vào danh sách đã khá dài này không?
Nguồn: 99designs.com
Dịch: Insights Team.